Ban lãnh đạo Siba Group dự kiến sẽ cân nhắc giảm dần mức doanh thu 17% mỗi năm cho đến 2030 đối với mảng thương mại nông nghiệp. Điều này cũng nhằm tập trung nguồn lực cho mảng cơ khí và năng lượng tái tạo với biên lợi nhuận cao.
Sáng 25/4, CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group - Mã: SBG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, việc tái cấu trúc công ty, tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn, bầu bổ sung 1 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), 1 thành viên ban kiểm soát và các nội dung quan trọng khác.
Trước thềm đại hội, công ty đã cập nhật danh sách ứng viên ứng cử thành viên HĐQT là ông Trương Sỹ Bá, thay vì bà Phan Hồng Vân theo danh sách công bố 1 tuần trước đó (đều do cổ đông lớn Siba Holdings đề cử). Ông Trương Sỹ Bá đang đồng thời là Chủ tịch tại Tập đoàn Tân Long, Siba Holdings và Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF). Sau kết quả bỏ phiếu, ông Bá trúng cử vào thành viên HĐQT SBG.
Ban chủ tọa và quang cảnh đại hội. (Ảnh: X.N).
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc, báo cáo năm 2023, SBG đã mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới. Doanh thu thực tế vẫn chưa đạt kế hoạch năm, chủ yếu do sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành của công ty và môi trường kinh doanh biến động. Trong bối cảnh khó khăn đó, công ty tập trung vào việc tổi ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.
Năm 2023, doanh thu thuần ghi nhận 3.662 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng, giảm 14%.
SBG đặt kế hoạch năm 2024 có doanh thu tăng 4% và lợi nhuận sau thuế tăng 25%, ước đạt lần lượt 3.800 tỷ đồng và 40 tỷ đồng
SBG đặt kế hoạch lợi 2024 tăng 25%. (Nguồn: X.N tổng hợp).
Để thực hiện mục tiêu này, ban tổng giám đốc cho biết đối với hoạt động gia công cơ khí, xây lắp - cho thuê, trước đây công ty mới chỉ tập trung đầu tư vào cơ khí gia công. Năm 2024, công ty xây dựng chiến lược kinh doanh sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường để tăng hiệu quả. Đồng thời, công ty thực hiện tiết giảm chi phí ngay khi giao kế hoạch cho các đơn vị.
Mảng năng lượng sẽ theo 2 hướng: Điện áp mái tiếp tục khai thác tại Công ty TNHH MTV Năng Lượng Sạch VMECO Bạc Liêu và tái cấu trúc (thoái vốn/giải thể) Công ty TNHH MTV Năng Lượng Sạch VMECO Đồng Tháp.
Hoạt động kinh doanh nông sản chiếm trên 80% doanh thu SBG. Do đó, theo ông Đức, việc tiếp tục duy trì là cần thiết. Hiện thị trường tiêu thụ là nội địa. Tuy nhiên, do giá biến động khó lường, cùng với biên lợi nhuận không cao (thường nhỏ hơn hoặc bằng 1%), sắp tới công ty sẽ cân nhắc giảm dần mức doanh thu 17% mỗi năm cho đến 2030. Điều này cũng nhằm tập trung nguồn lực cho mảng cơ khí và năng lượng tái tạo với biên lợi nhuận cao.
PHIÊN THẢO LUẬN
-Ban lãnh đạo chia sẻ ý định thoái vốn các công ty con trong lĩnh vực điện mặt trời? Công ty có dự kiến phát triển mảng điện mặt trời trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc: Trước đây, theo quy định 13 năm 2020 của Chính phủ, điện mặt trời áp mái quy mô dưới 1MW phải có pháp lý riêng, để doanh nghiệp đầu tư và bán điện cho EVN.
Siba Group có 2 công ty con Năng lượng sạch Bạc Liêu và Năng lượng sạch Đồng Tháp. Hiện chính sách của Chính phủ đã thay đổi, không còn hạn chế việc thành lập pháp nhân riêng để đầu tư từng MW một. Trong 3 năm tới, công ty sẽ thực hiện áp mái quy mô 100 MW trên toàn bộ hệ thống trong chuỗi trang trại và cung cấp bán điện cho trang trại.
Công ty tại Bạc Liêu đang đem lại hiệu quả tốt. Do đó, Siba Group dùng công ty con này để đầu tư trực tiếp cho các dự án tiếp theo, nhằm tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí.
-Ban lãnh đạo đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của các sản phẩm của công ty, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí công nghệ?
Ông Nguyễn Văn Đức: Siba Group có 5 nhóm sản phẩm chính. Ở sản phẩm nông nghiệp, định vị là sản xuất sản phẩm công nghiệp trên nền tảng nông nghiệp. Công ty đầu ở tư cơ sở hạ tầng, máy móc, hệ thống để giảm giá thành sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đội ngũ nhân sự đã học hỏi, tìm hiểu trong quá trình vận hành nuôi heo, chế tạo hệ thống làm mát tự động, đây là điểm khác biệt so với một số đối thủ còn gặp hạn chế.
Việt Nam là nước nông nghiệp mạnh. Công ty tiếp tục tập trung thế mạnh lĩnh vực thiết bị phục vụ trong nông nghiệp, điển hình là chăn nuôi heo, để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
-Chiến lược xây dựng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu? Sản phẩm chủ lực, khách mục tiêu của nhà máy này là gì?
Ông Phan Lê Hoàng Trung, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc: Với mục tiêu 5F, phục vụ bán hàng đa phương tiện, công ty sẽ có nhiều nhà máy ở Bạc Liêu, Bà Rịa -Vũng Tàu, và những nhà máy ở miền Bắc, miền Trung.
Hiện nhà máy ở Bạc Liêu sản xuất sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như giải pháp cho chăn nuôi, nhà máy cám, nhà máy gạo. Riêng đối với nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng về nội thất, điện lạnh, và cơ khí công nghiệp (mảng Siba Industry). Các sản phẩm kể đến như thang máy, cửa chống cháy... hay nhận đặt hàng gia công các sản phẩm liên quan đến ô tô. Đối tượng khách hàng là cả trong và ngoài nước.
Đại hội thảo luận. (Ảnh: X.N).
-Kế hoạch chi tiết mảng gia công cơ khí và xây lắp?
Ông Nguyễn Văn Đức: Về gia công cơ khí, công ty đầu tư nhà máy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tập trung vào các sản phẩm như thang máy, đồng thời phát triển các sản phẩm phụ trợ ô tô như pin chứa ắc-quy. Công ty cũng có dự định sắp tới đầu tư một nhà máy sản xuất pin có tính chất công nghệ cao, chống cháy nổ, cung cấp cho pin năng lượng mặt trời, pin ô tô...
Về xây lắp, vừa rồi công ty có cung cấp giải pháp trong trang trại chăn nuôi, gạo... Hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong tương lai, SBG tiếp tục đẩy mạnh mảng cơ khí và xây lắp.
-Tiến độ hợp tác với Tập đoàn Shoji?
Ông Nguyễn Văn Đức: Vừa rồi SBG đã ký thỏa thuận hợp tác với Eiki Shoji. Họ sẽ cung cấp, đầu tư các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái 100 MW trong vòng 3 năm (từ 2024 đến 2026). HĐQT SBG nhìn nhận năng lượng là mảng có cơ hội tốt trong thời gian tới. Chính phủ sẽ có chính sách cho các đơn vị như SBG xây dựng các dự án năng lượng sạch, bán được cho xí nghiệp...
Eiki Shoji này là tập đoàn lớn tại Nhật Bản, chuyên làm mảng truyền tải điện, có uy tín, ảnh hưởng trong ngành. Việc hợp sẽ có mục đích SBG sẽ dùng sản phẩm của họ để truyền tải điện trong tương lai để bán cho thị trường. Thứ hai là hợp tác liên doanh để phát triển truyền tải điện cho các dự án của công ty năng lượng hay tập đoàn Nhà nước trong thời gian tới.
-Định hướng kinh doanh của công ty đến 2030?
Ông Trương Sỹ Bá: Đây là câu hỏi rộng, mang tính chiến lược. Việt Nam đang hợp tác sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, gần đây là ký hợp tác toàn diện với Mỹ. Đây sẽ dẫn đến làn sóng đầu tư của nước ngoài trong tương lai đến Việt Nam. Nước ta được quốc tế đánh giá rất cao về ổn định chính trị, kinh tế phát triển...
Một làn sóng khác là chuyển dịch đầu tư trong các nước châu Á đến Việt Nam, như Trung Quốc, bắt nguồn từ những vấn đề địa chính trị, rào cản nhất định.
Từ đó, chúng ta thấy tổng thể bức tranh ngành cơ khí, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Chúng ta đang chưa đáp ứng đủ chất lượng, mong muốn của nhà đầu tư. Điều đó hình thành nên SBG để thực hiện tầm nhìn, sức mệnh đó.
Trong hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long còn có mảng gạo, chăn nuôi... SBG là đơn vị đầu tiên nghiên cứu, triển khai các dự án của tập đoàn, tạo nền tảng, nâng cấp, R&D sản phẩm nhằm vươn ra thị trường nước ngoài.
Qua một thời gian hoạt động, SBG cũng đã nghiên cứu thành công nhiều công nghệ về chuồng trại. Thay vì trước đây gần như phải nhập khẩu, SBG đã cung cấp khoảng 85% cho mảng chăn nuôi đó là lợi thế cạnh tranh với thị trường.
Với mảng gạo cũng tương tự. SBG đang nghiên cứu các sản phẩm cho mảng gạo, giúp giảm thất thoát.
Lĩnh vực cơ khí SBG còn có định hướng cơ khí môi trường. Hiện công ty đã nghiên cứu cũng như khởi công các công trình, công nghệ xử lý nước thải, đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là nền tảng quan trọng, để từ đó đi ra bên ngoài. SBG cũng sản xuất được các ô chuồng trong chăn nuôi, không phải nhập khẩu.
Định hướng tương lai tiếp theo, SBG nghiên cứu đến lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Thời gian qua Chính phủ có đề án chuẩn bị xã hội hóa ngành điện, tạo cơ hội lớn cho phát triển điện.
Với mục tiêu net-zero đến 2030, ngành năng lượng sẽ phát triển rất mạnh. Việt Nam là nước thuận lợi để phát triển năng lượng như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Thời gian tới Việt Nam cũng như thế giới sẽ giảm điện từ năng lượng hóa thạch.
Câu chuyện là điện mặt trời chỉ hoạt động ban ngày, ban đêm không hoạt động. Do đó, SBG đang liên kết hợp tác với tập đoàn của Nhật Bản để đầu tư pin trữ điện.
Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu một lĩnh vực nữa là xử lý rác thải phát điện. Đây là vấn đề Việt Nam đang cần, khi 80-90% rác thải đang thực hiện chôn lấp. Công ty nghiên cứu chuyển đổi sang đốt rác để sản xuất điện, làm phân bón vi sinh...
Cuộc họp kết thúc với việc thông qua tất cả tờ trình.